VH- Những ngày qua, hưởng ứng tham gia tour miễn phí bằng thuyền kayak vớt rác trên sông Hoài đã có hơn 20 du khách cùng các bạn trẻ tình nguyện đăng ký tham gia vớt rác.

Du khách tham gia tour này với hy vọng góp phần làm sông Hội An sạch hơn

Chuyện… ngược đời

Tour du lịch chèo kayak du ngoạn, kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak (TP Hội An) giới thiệu với du khách từ đầu năm 2017 nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống Hội An, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Tự bỏ hơn 10 USD (tương đương 230.000 đồng) và phơi nắng hơn 4 tiếng đồng hồ để chèo thuyền vớt rác trên sông là lựa chọn lạ lùng mà nhiều du khách đã tự nguyện tham gia khi đến Hội An trong thời gian gần đây. Từ chỗ tò mò, ngạc nhiên vì thấy chuyện “ngược đời”, đến giờ người dân Hội An đã trở nên quen thuộc với cảnh các ông Tây, du khách đi “nhặt rác” trên sông vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần.

Ý tưởng hình thành tour du lịch lạ lùng này đến từ anh Nguyễn Văn Long, đại diện Công ty Du lịch Hội An Kayak. Vốn là một hướng dẫn viên thường xuyên đưa du khách đi tham quan tuyến Hạ Long và cùng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường, khi đến Hội An, trong những lần hướng dẫn khách tham quan phố cổ trên sông, hay ngay cả đi bộ, chứng kiến cảnh du khách nhiều lần cúi xuống nhặt rác bỏ vào thùng, du khách bịt mũi khi phải ngửi mùi hôi hám, nhăn mặt thấy rác trôi lềnh bềnh trên sông…, anh Long nghĩ tại sao không vận động du khách cùng tham quan, cùng nhặt rác. Tuy không thể ngày một ngày hai là môi trường sẽ hết rác, nhưng cứ “mưa dầm thấm đất”, từ những chung tay nho nhỏ của du khách sẽ tác động, tuyên truyền đến người dân bản địa và các du khách khác, từ đó giảm thiểu những hành động, thói quen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. “Và tour chèo thuyền vớt rác trên sông đã ra đời với mong muốn thông qua hoạt động này sẽ tác động được vào ý thức của mọi người, giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường trong sạch và tác hại của việc xả rác ra sông”anh Long cho biết.

Bạn Nguyễn Văn Lộc, hướng dẫn viên cho biết, du khách tham gia sẽ khởi hành tại bến đò Thuận Tình (xã Cẩm Thanh, Hội An), bắt đầu chuyến hành trình dài hơn 8km, ngược dòng sông Hoài bằng thuyền Kayak, qua chợ Hội An, dọc khu vực phố cổ. Du khách vừa chèo thuyền, khám phá cảnh đẹp trên sông, trò chuyện cùng ngư dân và tiện thể sẽ nhặt rác trên sông cho vào túi rác trên thuyền để đưa về nơi tập kết, phân loại. Mỗi chuyến đi như thế, bên cạnh những du khách thì còn kêu gọi thêm các bạn sinh viên làm tình nguyện viên để cùng vớt rác, hỗ trợ và tuyên truyền cho người dân ven tuyến sông mà thuyền đi qua về việc phân loại rác, giữ vệ sinh môi trường,…

Bạn Lộc cho biết, không phải du khách nào cũng đủ sức khỏe và hào hứng để theo hết hành trình. Có nhiều du khách đi nửa chặng đường đã phải quay về vì không chịu nổi nắng nóng và mùi hôi từ rác bay lên. Những du khách theo hết hành trình đã rất nhiệt tình vớt tất cả những vật dụng như chai, lọ, đồ xốp, túi nilon… mà họ nhìn thấy trôi lềnh bềnh trên sông. Có những bao rác lớn, nặng đến mức không thể nhấc được, hướng dẫn viên sẽ giúp du khách thu gom và bỏ lên tàu chuyên chở. Sau chuyến đi, lượng rác thu gom được sẽ đưa vào bờ đề công ty môi trường đô thị tại TP Hội An đến vận chuyển về tiêu hủy.

 Du khách tình nguyện tham gia vớt rác trên sông vào sáng thứ 7, ngày 3.3

Góp phần tuyên truyền chứ không nghĩ đến việc lời lãi

Ban đầu, nhiều người dân còn tò mò, lạ lẫm vì thấy cảnh du khách vừa phải tốn tiền vừa phải đi vớt rác. Nhưng dần dần, hiểu ra, người dân sống dọc sông còn tham gia chèo thuyền nhặt rác cùng du khách. Trên suốt hành trình, các tình nguyện viên và thành viên trong đoàn sẽ góp ý, tuyên truyền để người dân không “vô tư” xả rác xuống sông. Cụ Nguyễn Văn Xê, một người dân ở Cẩm Thanh cho biết, từ hồi có cái tour du lịch nhặt rác hay ho này, sáng thứ 7 người dân trong xóm hay ra đứng ven sông chờ thuyền đi qua để trao tận tay những bao rác đã phân loại và cùng trò chuyện với du khách như một lời cảm ơn với những người bạn ở xa đến giữ sạch cho sông Hoài.

Ông Clayton Hornbaker, một du khách người Mỹ, nói rằng đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới và cũng đã tham gia những tour du lịch góp phần bảo vệ môi trường tương tự như thế này ở nhiều nơi. Khi đến Việt Nam, thấy giới thiệu tour du lịch “nhặt rác” nên ông tham gia. Hi vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động du lịch như thế này tại Việt Nam để người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường…

Theo anh Long, bên cạnh việc “vô tư” vứt rác xuống sông, nhiều người dân còn không biết phân loại rác. Chẳng hạn như ở chợ Hội An, người dân hay vứt lòng gà lòng vịt xuống sông và cho rằng đó là rác hữu cơ, vứt xuống sông cho thủy sản ăn. Thế nhưng họ lại buộc vào bao ni lon để vứt thì lại tác dụng ngược. Chính vì thế nên khi tổ chức mỗi tour, bên cạnh việc nhặt rác thì anh cũng kết hợp tuyên truyền, phát tờ rơi để người dân rõ hơn quy trình phân loại rác.

Céline (35 tuổi, quốc tịch Pháp) cùng một người bạn mới quen khi tham gia tour di chuyển khá chậm chạp để nhặt rác kỹ càng, ngay ở những vị trí lau cỏ, ngóc ngách ống cống ven sông. Céline cho biết cô đã ở Hội An gần 1 năm nay và đang phụ trách dự án trồng rau sạch. Trước đây, cô và nhóm bạn thường tổ chức nhặt rác tại các bãi biển ở Hội An như An Bàng, Cửa Đại. Từ khi có tour này, cô tự nguyện bỏ tiền túi để tham gia với hy vọng góp sức giúp dòng sông chảy qua phố cổ trong sạch hơn.

Được biết, hiện công ty đã đầu tư hơn 40 thuyền kayak để phục vụ khách và có 3 nhân viên làm nhiệm vụ vận chuyển rác nhặt được trên sông đến nơi tiêu hủy. “Số tiền 10 USD/khách thu được sẽ là chi phí để mua bao tải, thuê thuyền thu gom rác mang đi tiêu hủy, thuê nhân viên phục vụ du khách. Chúng tôi hy vọng du khách cùng chia sẻ và góp phần để bảo vệ môi trường Hội An chứ không nghĩ sẽ thu lời từ tour du lịch này.…”, anh Long chia sẻ.

 ​Chính quyền địa phương luôn khuyến khích các cá nhân, tổ chức có những sáng kiến mới trong việc kết hợp giữa làm kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường. Những hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm với môi trường, cộng đồng như tour vớt rác này sẽ góp phần xây dựng Hội An trở thành một thành phố sinh thái. Qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân cùng du khách trong việc giữ gìn môi trường sông nước. (Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An)

 

KHÁNH CHI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *