Văn hóa làng Việt truyền thống rõ nét nhất là văn hóa làng Việt Bắc Bộ. Làng Việt Bắc Bộ là nơi bao đời nay cư dân Việt cư trú, lao động sản xuất và tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tinh thần.
Làng là mô hình để người xưa theo đó mà mở rộng ra xây dựng tổ chức quốc gia, đô thị. Làng còn là pháo đài để chống giặc ngoại xâm cùng mọi yếu tố ngoại lai, bảo vệ sự bình yên cho dân tộc, cho đất nước. Văn hóa làng chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời trong toàn bộ các hoạt động đó và đến lượt mình, nó cũng chính là công cụ là phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ các hoạt động này. Nó đi vào ký ức người Việt Nam bằng hàng loạt những giá trị vật chất và tinh thần rất gần gũi và thân thương.
Thế giới đầy màu sắc của văn hóa làng được quy ước thành lệ làng, đúc kết trong hương ước làng, bộc lộ một cách phong phú qua hội làng. Tất cả chắt lọc lại, tạo nên bản sắc văn hóa làng, mà trong đó tính cộng đồng làng và tính tự trị của làng là những giá trị nổi trội nhất. Bên cạnh đó còn là các phẩm chất quan trọng khác như: tính ưa hài hòa, khuynh hướng thiên về âm tính (mà tính trọng tình, hay tình làng là một biểu hiện của nó), tính tổng hợp và tính linh hoạt.
Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, văn hóa làng Việt đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Sau lũy tre làng, bên giếng làng, dưới mái đình làng, trong bầu khí thân thương của những ngày hội làng, mọi người sống với nhau nặng tình nặng nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn. Tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng, xã có kỷ cương, trong sáng và thanh cao.
Bảng Môn Đình là một đình làng độc đáo nhất nhì cả nước ở Hoằng Lộc, Hoằng Hóa. (ảnh: Hữu Ngôn)
Văn hóa làng Việt thời nay
Mặc dù văn hóa làng đã trở thành bản sắc, thành một hằng số của văn hóa Việt Nam, nhưng theo thời gian, không có cái gì là không biến đổi. Với cuộc sống đang hiện đại, với xã hội đang công nghiệp hóa và đô thị hóa, với thế giới đang toàn cầu hóa và hội nhập hàng loạt “trai quê”, “gái quê” Việt Nam đã đi vào thành phố, đi ra nước ngoài. Quần jeans, áo pull, nước giải khát coca-cola, và cả nạn bạo lực cùng nhiều tệ nạn xã hội khác đang thâm nhập vào từng thôn xóm, làng bản. Văn hóa làng trong đời sống nông thôn Việt Nam hôm nay đang biến đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc. Cái tốt hiển hiện, cái xấu cũng bộc lộ rõ nét hơn.
Văn hóa, văn minh làm hình thành phong cách sống, phong cách tư duy. Nhìn ra nước ngoài, ta càng thấy rõ hơn đặc điểm tư duy của người làm nông nghiệp Việt Nam và Đông Nam Á. Đó là tính linh hoạt, mềm dẻo, nhiều khi đến mức tùy tiện, thiên về tình cảm. Đố kỵ cào bằng là tâm lý phổ biến của lối sản xuất nhỏ, trong khi đó tinh thần cạnh tranh lành mạnh thì yếu kém. Phong cách tư duy thiên về phân tích, lối sống chặt chẽ, rành mạch… là cái rất cần cho xã hội công nghiệp, đó lại là cái mà người Việt Nam rất thiếu.
Hiện nay, hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu. Xét về bản chất thì hội nhập là một quá trình tương tác mang tính hai chiều, nhưng trên thực tế thì kinh tế và kỹ thuật đang nắm phần ưu thế, nên hội nhập hiện nay chủ yếu là phương Đông tham gia vào một thế giới tổ chức theo kiểu phương Tây, trong đó Nhật Bản là nước đi đầu. Sự hội nhập hiện nay đòi hỏi những phẩm chất của một nền văn hóa công nghiệp với những tác phong công nghiệp, thích hợp với lối sống đô thị. Những đòi hỏi này quả là rất xa lạ với truyền thống văn hóa làng, xã của Việt Nam, do vậy văn hóa Việt Nam cần phải có sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa thế giới. Nhưng theo tôi, không phải vì thế mà chúng ta phải từ bỏ, phải thoát ra khỏi nền tảng văn hóa làng.
Trong bản sắc văn hóa làng cũng là bản sắc của văn hóa Việt Nam, những gì đến bây giờ vẫn còn giá trị thì vẫn cần phải giữ lại. Tất nhiên, điều quan trọng là phải hiểu cho đúng khái niệm “bản sắc văn hóa dân tộc”. Không phải cứ áo dài khăn đóng mới là dân tộc. Nhưng việc gì mà ta phải từ bỏ lối sống tình nghĩa “thương người như thể thương thân”? Việc gì mà ta phải từ bỏ tính linh hoạt? Chính tính linh hoạt này làm cho con người khác với một cỗ máy. Có cần bỏ chăng là bỏ cái xấu. Trước đây trong xã hội nông nghiệp với cuộc sống giới hạn trong phạm vi làng, xã mấy trăm người, mọi người đều biết rõ nhau thì cái xấu không gây tác hại nhiều lắm. Nhưng nay khi tiếp xúc với văn hóa thế giới, khi có sự “đụng độ” văn hóa thì cái xấu cũ trỗi dậy, cái xấu mới len lỏi tràn vào. Mọi hiện tượng nảy sinh trong xã hội, từ nạn bạo hành trẻ em đến nạn tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực khác – tất cả đều có nhiều nguyên nhân, nhưng quan sát và phân tích của chúng tôi cho thấy rằng phần lớn các nguyên nhân đều có nguồn gốc ở cái tốt và cái xấu nảy sinh từ văn hóa làng, xã người Việt.
Người Việt cần gìn giữ nét bản sắc tốt đẹp của văn hóa làng, nhưng đồng thời cần phát huy ý thức xã hội, tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện để con người cá nhân phát triển, hướng đến một xã hội dân chủ hài hòa, sống tôn trọng pháp luật kỷ cương. Tính sáng tạo, linh hoạt truyền thống của người Việt Nam cần giữ lại, song cần chấm dứt thói tùy tiện.
Chỉ có như vậy mới thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của văn hóa làng, xã tiểu nông, để trên cơ sở đó gìn giữ và phát huy được những giá trị tinh hoa của văn hóa làng, xây dựng được văn hóa đô thị Việt Nam và không để xảy ra tình trạng văn hóa đô thị bị nông thôn hóa trở lại.
TSKH Trần Ngọc Thêm